Vận Tải Biển Gặp Khó Khăn Với Nhiên Liệu Mới
Từ ngày 01/01/2020 Tổ chức Hàng hải thế giới (IMO) quy định, tất cả các tàu phải sử dụng nhiên liệu hàng hải với hàm lượng lưu huỳnh tối đa 0,5% so với mức giới hạn hiện nay là 3,5%.
Tuân thủ theo quy định của IMO, các hãng tàu đã thực hiện chuyển đổi nhiên liệu mới và thực hiện phụ thu phí nhiên liệu kể từ ngày 01/01/2020. Tuy nhiên, mức phụ thu này chỉ là chia sẻ với hãng tàu chứ chưa thể bù đắp chi phí hoạt động. Chưa kể, hãng tàu phải mất khá nhiều chi phí để thay một số phụ tùng, linh kiện máy móc như: Kim phun, xéc-măng… để phù hợp với nhiên liệu mới.
Những tháng đầu năm, hoạt động vận tải cũng ảnh hưởng nghiêm trọng từ tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến lượng hàng và giá cước giảm mạnh. Việc sụt giảm trên khiến hãng tàu càng lao đao khi chi phí sử dụng nhiên liệu mới khiến chi phí vận hành tàu gia tăng, mức bù lỗ cũng “leo thang”.
Khó khăn tại thời điểm chuyển đổi nhiên liệu mới với các DN vận tải biển còn đến từ việc xung đột chính trị giữa Mỹ – Iran khiến giá dầu FO cải tiến thế giới tăng vọt lên hơn 800 USD/tấn, gấp đôi so với nhiên liệu cũ và gấp khoảng 1,4 lần so với giá dầu FO cải tiến ở thời điểm bình ổn. Dù mức giá cao ngất ngưởng đó chỉ diễn ra trong vài ngày, song nó khiến chi phí mua nhiên liệu của DN vận tải chạm mức khổng lồ.
Trước thực trạng thu không đủ chi trong hoạt động vận tải, đại diện Vosco và Gemadept đều khẳng định, mức phụ phí nhiên liệu mới đối với hàng hóa chắc chắn sẽ còn tiếp tục được nâng lên.
Để đảm bảo hiệu quả thực thi quy định của IMO, Cục Hàng hải VN liên tục có văn bản thúc các cảng vụ đẩy mạnh tuyên truyền, gửi thư cảnh báo sớm về tuân thủ ngưỡng hàm lượng lưu huỳnh 0,5% cho các chủ tàu, công ty quản lý khai thác tàu biển, thuyền trưởng của Việt Nam và nước ngoài hoạt động tại vùng nước cảng biển thuộc phạm vi quản lý.